TỔNG KẾT MÔ HÌNH CANH TÁC LÚA SỬ DỤNG KHOÁNG TỰ NHIÊN ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ PHUN BẰNG DÂY BAY TẠI XÃ TÂY PHÚ, HUYỆN THOẠI SƠN
Sáng ngày 04/12/2024, Trung tâm kỹ thuật – dịch vụ nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn An Giang) phối hợp UBND xã Tây Phú tổ chức tổng kết mô hình canh tác lúa sử dụng khoáng tự nhiên ứng dụng công nghệ phun bằng dây bay.
Ông Nguyễn Phước Thành – Phó giám đốc Trung tâm kỹ thuật – dịch vụ nông nghiệp (Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh An Giang). Ông Lê Văn Đà – Trưởng Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Thoại Sơn. Ông Đặng Ngọc Thiệt – Phó Chủ tịch UBND xã Tây Phú đã đến dự tổng kết mô hình.
Cụ thể, mô hình được thực hiện với diện tích 20ha tại ruộng của 3 hộ nông dân thuộc ấp Phú Hùng và ấp Phú Thuận của xã Tây Phú và 5 ha ruộng đối chứng của thành viên hợp tác xã Tây Phú. Thực hiện trong vụ Thu Đông 2024, với giống lúa OM18; mục tiêu cụ thể là giảm lượng giống gieo sạ xuống còn 80 đến 100kg/ha, lượng phân bón hóa học giảm ít nhất 20%, giảm 80% lượng thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh có nguồn góc hóa học. Giảm 20 đến 30% chi phí sản xuất so với ruộng đối chứng. Đồng thời diện tích lúa mô hình sẽ được liên kết tiêu thụ với công ty TNHH XNK Đại Dương Xanh. Trong quá trình canh tác, nông dân được Trung tâm kỹ thuật – dịch vụ nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn An Giang) phối hợp công ty cổ phần Hóa Nông AHA chuyển giao quy trình kỹ thuật phun khoáng tự nhiên bằng dây bay.
Kết quả cuối vụ, với giá bán 9.300 đồng/kg, năng xuất lúa thuộc mô hình đạt 6.200kg/ha, thấp hơn năng suất diện tích lúa đối chứng 100kg/ha, nhưng lợi nhuận thu về cao hơn 2.063.000đ/ha, do giảm được chi phí trong quá trình canh tác lúa. Ngoài ra, Mô hình thí điểm bước đầu đã thành công và đem lại hiệu quả, giúp nông dân ý thức hơn về việc sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch. Sản xuất lúa theo mô hình, giảm ô nhiễm môi trường, cải thiện cảnh quan nông thôn, hạn chế tối đa các hóa chất nguy hại đến sức khỏe người nông dân./.
Ban Biên tập Trang TTĐT xã Tây Phú